Bắc Kinh là một thành phố có sự đan xen giữa nét cổ kính và nhịp sống hiện đại trong cùng một không gian sống. Những nét đặc trưng ấy hiện hữu trong các công trình kiến trúc và dòng chảy đời sống của người dân nơi đây. Đến Bắc Kinh, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi các công trình nổi tiếng đồ sộ, sừng sững cho đến nay vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn.
1. Nét đặc trưng của thành phố Bắc Kinh
Nằm ở miền Hoa Bắc, hội tụ một lượng lớn dân số đông đảo, Bắc Kinh ngày nay sở hữu những tòa nhà cao chọc trời, đường cao tốc, giao thông đô thị phát triển nhanh bậc nhất thế giới. Ra đời và phát triển từ 3 thiên niên kỉ trở về trước, nền văn hóa của một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ vẫn được hiện hữu trong các cung điện nguy nga, tráng lệ, các đền đài, miếu mạo, tẩm cung cổ kính,... Du lịch Bắc Kinh bạn sẽ có cơ hội thưởng ngoạn văn hóa thời phong kiến Trung Quốc kéo dài hàng nghìn năm, cũng được đặt chân đến những công trình kiến trúc đồ sộ hiện đại nhất Trung Quốc.
Bắc Kinh hiện đại nhưng cũng rất cổ kính.
2. Các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Bắc Kinh
2.1 Vạn lý trường thành
Một điều chắc chắn khi đến Trung Quốc bạn nên đi Vạn lý Trường Thành. Người Trung Quốc có câu nói vô cùng nổi tiếng: “bất đáo Trường Thành phi hảo hán” quả không sai. Công trình kì vĩ này là một khu phòng thủ quân sự chiến lược đầy nổi tiếng được xếp vào top thế giới. Vạn lý Trường Thành được coi là biểu tượng của Trung Quốc. Đến thăm khu nơi đây, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu về công trình nổi tiếng này. Khu trường thành có có tổng chiều dài lên đến 6.700km, riêng đoạn qua ranh giới Bắc Kinh đã dài 629 km. Được bắt tay khởi công xây dựng vào thời nhà Chu, trải qua các thời kì Xuân Thu, Chiến quốc,... đến nay, đây vẫn là công trình rộng lớn nhất Trung Quốc.
Vạn lý trường thành - công trình kiến trúc dài nhất Trung Quốc.
Những nơi nổi tiếng và được bảo tồn khá nguyên vẹn ở Vạn Lý Trường Thành có thể kể đến là Bát Đạt Lĩnh, Cư Dung Quan, Thủy Quan, Mộ Điền Dụ… Bát Đạt Lĩnh cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 60 km về phía tây bắc, có chiều dài khoảng 3741m, chiều cao trung bình khoảng 7m. Đoạn trường thành có độ cao tối đa vào khoảng 800m so với mực nước biển, được xây dựng lại vào thời nhà Minh, là nơi được nhiều du khách đi du lịch ghé thăm nhiều nhất.
2.2 Tử Cấm Thành
Nếu đã từng xem nhiều bộ phim cổ trang Trung Quốc thì chắc chắn nhiều hơn một lần bạn được nghe đến cái tên Tử Cấm Thành. Trên phim nguy nga, tráng lệ bao nhiêu ở ngoài được nhìn tận mắt bạn sẽ thấy choáng ngợp hơn thế. Tọa lạc ở vị trí ngay trung tâm Bắc Kinh, diện tích 720.000m2, nơi đây được bảo toàn nguyên vẹn dù lịch sử đã đi qua rất nhiều năm. Tử Cấm Thành là cung điện của vua thời nhà Minh, Thanh xây từ năm 1406, gồm 980 tòa nhà đồ sộ. Nét kiến trúc cung đình được thể hiện khá rõ nét trong tất cả các không gian nơi đây. Xây dựng suốt 14 năm bằng các vật liệu như gạch Tô Châu, ngói men ngọc An Huy, đá quý Phòng Sơn, gỗ quý Phương Nam. Hầu hết các mái nhà đều được lợp bằng ngói lưu ly vàng. Sự kết hợp màu sắc trong Tử Cấm Thành được coi là mẫu mực của kiến trúc văn hóa thời bấy giờ.
Màu vàng trong thuyết ngũ hành là thổ, gốc của vạn vật, cho nên xưa nay màu vàng được giới thống trị xem là màu tôn quý nhất. Tường cung điện được sơn màu đỏ tươi, tượng trưng cho sự trang nghiêm, hạnh phúc, may mắn. Thời xưa, trừ hoàng cung ra, chỉ có phủ thân vương và những đền miếu quan trọng mới được dùng màu đỏ.
2.3 Di Hòa Viên
Nếu Tử Cấm Thành là nơi cung vua phủ chúa, nơi thâm cung bí sử thì Di Hòa Viên lại là nơi thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên trong khung cảnh yên bình, thanh nhã. Di Hòa Viên còn có tên gọi khác là Cung Điện Mùa Hè - nơi nghỉ ngơi thưởng cảnh của Từ Hi Thái Hậu.
Di Hòa Viên là công trình mùa hè của hoàng tộc nhà Thanh.
Nằm giữa núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh, Di Hòa Viên có nhiều cây cảnh, cách bài trí được coi là cái nôi sáng tạo ra nghệ thuật hoa viên Trung Quốc. Phong cảnh thanh nhã, hữu tình thật xứng đáng là điểm tham quan nổi tiếng.
2.4 Phố cổ Hutong
Phố cổ Hutong là những con ngõ nhỏ, dài, hẹp, hình thành theo lối Tứ-Hợp-Viện. Tứ Hợp Viện chính là những ngôi nhà truyền thống của Trung Quốc, có sân vườn, xây kín 4 mặt, trước cửa nhà có sân rộng, giếng nước để sinh hoạt, tất cả cuộc sống sinh hoạt đều gói gọn trong Tứ Hợp Viện. Các khu dân cư hình thành bởi nhiều Tứ Hợp Viện nối với nhau, tạo thành 1 Hutong, rồi Hutong này lại nối với Hutong khác thành những khu dân cư như bàn cờ. Từ Hutong cũng để chỉ những khu phố như vậy. Để tìm hiểu thêm về nét đẹp giản dị, cổ kính của Hutong.
2.5 Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh
Được biết đến với tên gọi “sân vận động tổ chim”, Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh là kì quan kiến trúc độc đáo của Bắc Kinh. Khởi công xây dựng vào năm 2001, công trình này có sức chứa 91.000 người, là một trong những công trình phục vụ Olympic lớn nhất thế giới.
Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh nổi tiếng thế giới.
3. Những món ăn nổi tiếng Bắc Kinh
3.1 Thịt vịt quay
Món thịt quay được chế biến hết sức cầu kì và khéo léo và tỉ mỉ. Một đĩa vịt phải được chặt làm đúng 120 miếng. Mỗi miếng phải có đủ 3 phần là da, thịt nạc và cả da lẫn nạc. Thịt vịt khi quay xong có phần da bên ngoài giòn rụm, màu vàng ươm. Phần thịt ở bên trong ăn không hề bị ngấy hay khô mà miếng thịt dày nhưng mềm và giữ được độ ẩm. Phần nước chấm cũng là một điểm cộng rất lớn của món ăn này.
Thị vịt quay là món ăn nổi tiếng thế giới của vùng đất Bắc Kinh.
Nước chấm được chia làm nhiều loại để phục vụ cho từng phần riêng như tỏi trộn đường hay nước tương đậu nành. Để cho đỡ ngán, các bạn hoàn toàn có thể ăn kèm thịt vịt với bánh tráng và các loại rau sống.
3.2 Lẩu cừu Mông Cổ
Nếu có điều kiện du lịch Bắc Kinh vào mùa đông, khoảng độ tháng 10 thì món lẩu cừu Mông Cổ chắc chắn là món ăn bạn không thể bỏ qua. Tương tự như các món lẩu khác, lẩu cừu mông cổ cũng được chế biến từ nước dùng xương đun nhừ ăn kèm cùng những miếng thịt cừu được thái mỏng và các loại rau củ. Các món ăn sẽ được chấm vào nước dùng đặc trưng được chế từ dầu mè, hoa hẹ và các gia vị khác.
3.3 Lu Zhu Huo Shao
Lu Zhu Huo Shao - Món ăn đặc biệt lạ ở Bắc Kinh.
Nhìn sơ, món ăn này có phần giống với món thịt bò sốt vang hay món phá lấu của Việt Nam. Món ăn được chế biến từ nhiều các nguyên liệu như thịt lợn, thịt bò, phổi lợn, đậu phụ ,bánh mì,… được đun bên trong nước ninh thịt. Món ăn này thường được ăn kèm với rau mùi và đa dạng các loại gia vị tỏi băm, sa tế, dấm, hẹ. Khi ăn sẽ cảm nhận được ngay hương vị ngọt đến từ nước dùng, các loại thịt hay nội tạng được đun nhừ rất dễ ăn.