Tất tần tật các địa điểm du lịch Azerbaijan

23/08/23 04:08:48 Lượt xem: 36

 

Azerbaijan là một quốc gia pha trộn giữa các nền văn hóa châu Á và châu Âu. Nhưng sự pha trộn đó lại tạo cho đất nước này có sự riêng biệt đầy đặc sắc. Được ví như vùng đất của lửa do lượng tài nguyên dầu mỏ khá lớn, du lịch Azerbaijan bạn sẽ được chiêm ngưỡng thủ đô Baku - nơi được UNESCO công nhận là là di sản thế giới. 

1. Lịch sử hình thành và sự đa dạng văn hóa

Azerbaijan là một trong 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết và trở thành một quốc gia độc lập sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Nằm ở biên giới giữa châu Á và châu Âu, Azerbaijan có một trong những nền văn hóa đặc biệt đa dạng, bởi nơi đây từng chịu ảnh hưởng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cũng từng là một phần của Liên Xô, vì vậy tạo ra sự pha trộn kỳ lạ giữa các nền văn hóa đối lập nhau đưa du khách đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Ở Azerbaijan các tôn giáo khác nhau cùng tồn tại hài hòa. Hầu hết người dân theo đạo Hồi, nhưng có rất nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng từ thời kì trước và các đền thờ Zoroastrian. 

Tìm hiểu nét văn hóa đa dạng khi du lịch Azerbaijan.

Cũng giống như màu da, văn hóa hay tôn giáo, khí hậu của đất nước này cũng khá đặc biệt.  Nơi đây có đủ 9 trên 11 vùng khí hậu trên thế giới. Từ sông băng đến sa mạc nóng bỏng rộng lớn, cảnh quan ở Azerbaijan mang sự tương phản nhưng lại vô cùng hợp lý. Những ngọn núi hùng vĩ xanh mướt rất thích hợp để tham quan từ tháng 4 đến tháng 10. Khu vực xung quanh Baku có khí hậu lục địa, có nghĩa là mùa hè cực kỳ nóng và mùa đông rất lạnh. 

2. Những điểm đến ấn tượng khi du lịch Azerbaijan

2.1 Thủ đô Baku

Baku là thủ đô của Azerbaijan và là cửa ngõ chính vào đất nước, không chỉ đối với đường hàng không mà còn cho những ai đến bằng tàu hỏa từ Gruzia hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Baku - một thành phố năng động, hiện đại sẽ phá vỡ tưởng tượng của bạn về Azerbaijan ngay khi bạn bước chân vào thành phố. Nơi đây là sự cân bằng tuyệt vời giữa cái mới và cái cũ, bạn có thể chiêm ngưỡng những khu di tích lịch sử đưa bạn trở về không gian xa xưa, cũng có thể tìm thấy sự mới mẻ, hiện đại bậc nhất của những tòa tháp cao tầng tuyệt đẹp. Đừng quá bất ngờ với những gì nơi đây đem lại nhé, vì còn hàng trăm điều tuyệt vời chờ bạn khám phá.

Tháp Ngọn lửa là tòa nhà hiện đại nhất ở Caucasus, được xây dựng từ năm 2007. Ba ngọn tháp cao lần lượt là 160m và 182m. Đây là biểu tượng của thủ đô Baku.

Cung đường đi dạo trên biển Caspi trải dài 3km. Nó còn được gọi là đại lộ Baku, kết nối hai quảng trường lịch sử chính trong thành phố là Quảng trường Quốc kỳ (nơi treo một lá cờ khổng lồ) và Quảng trường Tự do (trước đây được gọi là Quảng trường Lenin và nơi đặt trụ sở Chính phủ).

Trung tâm Heydar Aliyev là một trong những điểm thu hút chính của Baku. Kiến trúc sư nổi tiếng Hadid đã thiết kế tòa nhà này với những đường cong, các nét táo bạo, đáng để bạn ghé thăm. Thiết kế được lấy cảm hứng từ chữ ký viết tay của Heydar Aliyev - vị tổng thống đầu tiên của đất nước Azerbaijan độc lập.

Trung tâm Heydar Aliyev - công trình độc đáo nổi tiếng tại thủ đô Baku.

Tháp Maiden tồn tại từ rất lâu, nhưng ít ai biết ngọn tháp kỳ lạ này được xây dựng từ khi nào, có lẽ nằm trong khoảng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 12. Cho đến nay mọi người vẫn thắc mắc về công dụng của tòa tháp này. Nó có thể là một ngọn hải đăng, một đài quan sát cho các nhà thiên văn học, một ngôi đền Zoroastrian, hoặc đơn giản là được sử dụng để phòng thủ quân sự.

Một công trình kiến ​​trúc tuyệt đẹp khác ở Baku là Nhà thờ Hồi giáo Heydar, một nhà thờ Hồi giáo khổng lồ được xây dựng bằng những viên đá đặc biệt dựa trên kiến ​​trúc thiết kế Shirvan-Absheron, nằm ở phía bắc của thành phố. Bạn có thể ghé nhà thờ này vào ban đêm khi lên đèn. Nó thực sự đẹp đến mơ màng. 

2. Lahic 

Lahic có bầu không khí như một vùng miền núi. Nơi đây nổi bật với ngôn ngữ gốc Ba Tư. Nhiều nghề thủ công vẫn còn được lưu truyền ở vùng này. Bạn có thể bắt gặp các thợ rèn vẫn sản xuất bằng phương pháp truyền thống. Nơi đây dịp cuối tuần rất đông khách du lịch ghé thăm, nếu như bạn muốn có không gian yên bình thì hãy đến vào những ngày thường trong tuần. 

Lahic nơi bảo tồn những nét đẹp truyền thống xưa.

Vào thời kì phát triển rực rỡ của con đường tơ lụa, các sản phẩm thủ công ở Lahic được đánh giá cao và thường xuyên được bày bán trong các chợ ở Bagdad hoặc Damascus. Được bao quanh bởi những ngọn núi hiểm trở, đất đai trong ngôi làng không thích hợp để phát triển nông nghiệp trồng trọt, điều này đã kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Những tấm thảm và tác phẩm bằng đồng của Lahic đã nổi tiếng trong nhiều thế kỷ. Cho đến ngày nay, nghệ thuật thủ công nơi đây vẫn gìn giữ và bảo tồn gần như nguyên vẹn. Lahic là một vùng đất đáng để đến với các hoạt động khám phá, đi bộ và ngắm cảnh. 

3. Sheki

Sheki là một thành phố miền núi với lịch sử huy hoàng. Đó từng là một quốc gia của Albania, là một phần của Con đường Tơ lụa. Trước đây khu vực này liên tục bị chiếm đóng bởi người Ba Tư, La Mã, Parthia, Ả Rập và Mông Cổ, luôn chao đảo giữa thời kỳ giành chủ quyền và gia nhập vào các liên minh chính trị hùng mạnh. Sau sự sụp đổ của Đế chế Safavid vào thế kỷ 18, Sheki một lần nữa độc lập với tư cách là một quốc gia. Những cuộc chiến tranh đã tàn phá lịch sử, kiến trúc của nơi đây, nên có rất ít các công trình kiến trúc lâu đời. 

Những công trình đa dạng tại Sheki.

Vào đầu thế kỷ 19, Nga sáp nhập Sheki. Từ thời điểm đó cho đến khi Azerbaijan độc lập, Sheki nằm dưới sự kiểm soát của người Slav. Cho đến nay, nơi đây là một thành phố nhỏ bé nhưng tràn ngập những điều tuyệt vời. 

Nhà thờ Hồi giáo Juma là nhà thờ Hồi giáo chính ở Sheki, được xây dựng vào giữa thế kỷ 18, được trang trí bằng các hoa văn hình học và có tháp cao 40m. Nhà thờ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối.

Thị trấn Sheki nổi tiếng với các cửa hàng thủ công. Shebeke là môn nghệ thuật lấp đầy các mạng lưới gỗ bằng thủy tinh màu (không sử dụng keo hoặc đinh) đã trở thành một nét đặc trưng của nơi đây. Cùng với đó là cung điện của Sheki Khan, được xây dựng như một dinh thự mùa hè trong thế kỷ 18.

Minh chứng cho sự phát triển của nghệ thuật thủ công truyền thống.

Caravansarai: Đây là dấu ấn rõ ràng nhất của thời kỳ mà các thương nhân đi trên Con đường Tơ lụa đến Sheki với hàng hóa của họ. Nhà Khans đã xây dựng một quán trọ ở Sheki để cung cấp nơi nghỉ ngơi cho các thương nhân thời đó. Vào thế kỷ 18 và 19, nó là một trong năm nơi ở nổi tiếng của đoàn lữ hành lớn nhất ở Caucasus.

4. Ăn gì khi du lịch Azerbaijan?

4.1 Cơm thập cẩm Pilaf

Món ăn bậc thầy của văn hóa ẩm thực Azerbaijan.

Ẩm thực Azerbaijan truyền thống gắn liền với pilaf (cơm thập cẩm). Quả thực, món ăn này là một phần không thể thiếu trong nền ẩm thực dân tộc. Có khoảng 200 công thức nấu ăn cho món ăn này ở Azerbaijan. Pilaf thực sự rất ngon, cho dù nó được nấu theo công thức nào. Nhưng có một điểm đặc biệt chung là đặc trưng của tất cả các công thức nấu cơm thập cẩm: phần cơm và phần thịt được chế biến riêng biệt với nhau. Và chỉ khi ăn thì tất cả các thành phần mới được trộn với nhau. Pilaf ở Azerbaijan được chế biến từ nhiều loại thảo mộc cay, trái cây khô, các loại hạt được thêm vào món thịt đi cùng, qua đó giúp món ăn có vị thơm và ngọt đặc biệt.

4.2 Dolma

Món ăn truyền thống này có phần giống với món bắp cải cuộn của Nga, nhưng có một số điểm khác biệt đáng kể. Thứ nhất, thay vì dùng lá bắp cải để gói, người dân Azerbaijan sử dụng lá nho hoặc mộc qua. Thứ hai, nhân của món dolma được chuẩn bị từ nhiều nguyên liệu khác nhau.

Công thức dolma truyền thống sử dụng thịt cừu băm nhỏ cùng với cơm vụn và các loại thảo mộc. Trong món ăn này, các nguyên liệu không được vượt quá định phần thịt băm. Theo công thức nấu ăn, người Azerbaijan sử dụng 1 phần cơm với các loại thảo mộc và 3 phần thịt cừu băm.

4.3  Jyz-byz

Ở Azerbaijan người ta không vứt bỏ bất kỳ bộ phận nào của thịt cừu. Do đó, món ăn truyền thống phổ biến jyz-byz được chế biến từ ruột của cừu non đã qua chế biến với khoai tây chiên, hành tây và cà chua. Món ăn cũng bao gồm các phần khác của cừu như thận, tim và gan. Món ăn này khi được chế biến xong sẽ có nước dùng ngọt, gia vị đậm đà cùng với các loại rau thơm. Một điều cần lưu ý cho những ai đang ăn kiêng rằng món ăn này không dành cho bạn, vì jyz-byz có hàm lượng calo rất cao.

Món ăn chứa hàm lượng calo rất cao.

4.4 Bánh Baklava

Một món ngọt truyền thống của Azerbaijan, luôn xuất hiện trên bàn ăn trong ngày lễ lớn Novruz Bayram của người Hồi giáo, món ăn này cũng được phục vụ cho tất cả các thực khách. Baklava cổ điển được làm từ 12 lớp bột mỏng. Người ta tin rằng tên của món ăn bắt nguồn từ từ "okhlov", có nghĩa là một chiếc kim băng. Độ dày của từng lớp bột không được quá 0,5 cm. Nguyên liệu để làm baklava là bột men, các loại hạt xay nhuyễn, nghệ tây và đường. Baklava là một loại bánh nhiều lớp với nhân ngọt. Theo lịch sử ẩm thực Azerbaijan, món ăn này ban đầu chỉ có 3 lớp, nhưng sau đó số lượng đã lên tới 12 lớp.

Azerbaijan có lịch sử thú vị, văn hóa đầy màu sắc, và những người dân hiếu khách bậc nhất thế giới. Chần chừ gì mà không tự tạo cho mình chuyến du lịch ngay đến đất nước xinh đẹp này. 

X