Ước muốn được nhìn thấy hàng ngàn em học sinh thiếu nhi Việt Nam tập luyện golf và tìm ra trong số đó những tài năng đặc biệt đã thúc giục golf thủ chuyên nghiệp Nguyễn Thái Dương thành lập Học viện golf Hà Nội.
Thái Dương là một trong chỉ hai golf thủ chuyên nghiệp đánh giải ở Việt Nam. Ảnh: ET. |
Hành trình vạn dặm phải bắt đầu từ một bước
Chân lý hiển nhiên của mọi tiến trình đã được hiền triết Lão Tử khắc họa bằng một mệnh đề thật cô đọng. Điều thán phục to lớn đối với câu nói của Lão Tử không chỉ nằm trong tính triết lý, mà còn ở chỗ mỗi con người, từ giản đơn cho đến phức tạp và từ bình thường cho đến vĩ đại, đều qua câu nói đó mà hình dung tới đường đời sự nghiệp của chính mình. Nếu một người bình thường thán phục câu nói Lão Tử một phần, thì một vận động viên thể thao dường như sẽ thán phục nhiều phần hơn. Bởi lẽ trong sự súc tích của câu nói kia lại chứa đựng hàm ý khái quát bao la khôn cùng của một hành trình đang mở ra với những biến cố không lường không giới hạn, dễ liên tưởng tới cuộc đời của một đấu sỹ thể thao, đeo đuổi những chuỗi trận quyết đấu đầy gian khổ rủi ro với mong manh ép xi lon hào quang chiến thắng.
Tập luyện truyền trí tuệ vào cơ bắp
Đó là triết lý của Sam Snead – một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của làng golf thế giới. Một sự khắc họa không thể nào tốt hơn về kỳ công khổ luyện của các golf thủ. Đời một chiến binh golf chuyên nghiệp, cũng giống như biết bao nhiêu đấu sỹ thể thao khác, sau ánh hào quang vụt sáng của tia chớp chiến thắng là khoảng không đêm đen bao la khôn cùng những nước mắt mồ hôi khổ luyện.
Con đường golf chuyên nghiệp
Đầu tiên là kỳ công đào tạo. Golf là một môn thể thao đặc biệt, với sức hấp dẫn mang tính "ma lực" không ngừng tăng, với vai trò ngày càng bành trướng và nổi trội. "Ma lực huyền bí " của golf được sinh ra từ nhiều nhân tố nội tại đặc biệt. Trong đó, có sự đóng góp của yếu tố "Kỳ công đào tạo" để làm nên một tài năng golf.
Để đào tạo một vận động viên chuyên nghiệp, các môn thể thao thông thường cần khoảng 10-15 năm. Nhưng với golf, thời gian còn lâu hơn nữa. Nếu bắt đầu làm quen với thể thao thì có thể từ 4-5 tuổi. Để học một cách thường xuyên và hiệu quả thì từ 9-10 tuổi. Chừng 10 năm, khoảng 19-20 tuổi các vận động viên có thể bắt đầu sự nghiệp chính thức của mình. Trừ các trường hợp ngoại lệ, thời điểm tỏa sáng tột đỉnh của các vận động viên thể thao thường trong khoảng giữa 20-30 tuổi. Sau 30 tuổi là thoái trào. Riêng với golf thì sau 30 tuổi mới đạt đến độ chín muồi. Thời điểm đỉnh cao huy hoàng của các golf thủ thường nằm trong khoảng 30-40 tuổi. Độ tỏa sáng đỉnh điểm của các golf thủ chậm hơn các môn thể thao khác chừng 10 năm. Bởi vậy chỉ nói riêng về mặt thời gian, đào tạo một golf thủ chuyên nghiệp phải rất kỳ công dài lâu. Cần khoảng 20-30 năm đào tạo bài bản liên tục để có thể có được một ngôi sao golf tỏa sáng. Nghĩa là thời gian "thai nghén" một tài năng golf lâu hơn 10 năm so với các môn thể thao khác. Chính sự "chửa trâu" đã cho golf những đứa con “ma lực”.
Về phương tiện tập luyện, golf cũng có những đòi hỏi khác biệt. Đó là yêu cầu có sân phát bóng và sân golf để luyện tập với nhu cầu diện tích đất lớn và chi phí đầu tư cao. Một sân phát bóng thông thường cần khoảng 3 đến 5 héc ta với một chiều có độ dài tối thiểu 300 m. Một sân golf 18 hố cần một diện tích khoảng 70-80 héc ta. Như vậy việc tìm đất để xây dựng được sân phát bóng trong nội đô của thành phố đã là điều không dễ dàng. Còn có được một cơ sở đào tạo bao gồm cả sân phát bóng lẫn sân golf trong thành phố thì thật là lý tưởng.
Điều đặc biệt tiếp theo trong "Kỳ công đào tạo" golf chính là yêu cầu tài chính. Phí học tập ở học viện golf của Hoa kỳ trong một niên học 9 tháng dao động từ 50.000 đến 75.000 đô-la. Muốn đi vào con đường chuyên nghiệp đỉnh cao, thông thường một học viên golf phải chi từ 50.000 đến 100.000 đô-la trong một năm cho tập luyện và thi đấu. Đây là một rào cản rất khó vượt qua cho tất cả những ai yêu golf nhưng lại sinh ra trong vùng nghèo khổ. Nếu có những tài năng golf thiên bẩm được sinh ra ở những miền đói nghèo, thì sự phát hiện khó mà tiến hành, còn nói chi đến chặng đường đeo đuổi.
Thứ hai là Kỳ công khổ luyện. Từ bỏ nghề caddy, Vijay Singh đã trốn mình mấy năm liên tục trong một nơi hẻo lánh, "bế quan tỏa cảng", khổ luyện 12 tiếng một ngày, để rồi "tái xuất giang hồ" trở thành golf thủ số một thế giới trong 32 tuần ở tuổi 41. Tấm gương bền bỉ của Vijay Singh đã làm cả thế giới những người yêu golf kinh ngạc. Nó đã thổi vào tâm hồn của mỗi chiến binh thể thao golf lời nhắc nhở rằng đỉnh cao thăng hoa không khi nào muộn. Đi xa hơn, nó nêu một tấm gương chói sáng về "Kỳ công khổ luyện", góp phần tô vẽ thêm ma lực huyền bí của golf.
Golf thủ Nam Phi từng ở ngôi số một thế giới 250 tuần và vô địch US Open 2001 và 2004 - Retief Goosen - cũng để lại những dấu ấn không phai về "Kỳ công khổ luyện". Anh luyện tập golf hơn 10 tiếng mỗi ngày, không quản nắng mưa gío bão, không chịu rời sân chừng nào chưa tối mịt. Đến nỗi trong một lần mưa giông sấm sét lớn, Retief Goosen đã bị sét đánh chết ngất cháy sạch áo quần, phải đưa vào bệnh viện. Từ khi tỉnh lại cho đến bây giờ anh vẫn không bao giờ nhớ được rằng đã có sự cố đó xẩy ra với anh. Tất cả là do nghe những người chứng kiến kể lại.
Có biết bao nhiêu tấm gương và kỳ tích về khổ luyện trong cuộc đời quyết đấu của các chiến binh thể thao golf. Con đường golf chuyên nghiệp giống như những đường golf liên tiếp, bắt đầu từ đài phát, qua hồ, vào rừng, xuống nước, ở nơi green mịn phẳng rồi trong bùn lầy…Tất cả tạo nên một chặng đường đan chen phẳng lặng gập gềnh, nắng mưa, tối sáng…
Thứ ba là Xây nhà từ móng. Một trong những tiền đề để có thể đạt được một nền thể thao golf đỉnh cao, là khởi đầu từ một hệ thống đào tạo bài bản golf trẻ ở các Học viện golf. Nói cách khác sự ra đời các Học viện golf là điều kiện cần cho thể thao golf đỉnh cao.
Chỉ ở các Học viện golf mới hội tụ đầy đủ các nhân tố của "Kỳ công đào tạo". Đó là các thầy giáo chuyên nghiệp giỏi với những chương trình đào tạo hiệu quả trên các phương tiện hiện đại. Tất cả các kỹ thuật từ cơ bản cho đến biệt dụng sẽ được các thầy giáo truyền lại cho học trò, và được tập luyện vận dụng nhuần nhuyễn đến thành bản năng máu thịt.
Còn nói đến điều kiện đủ về mặt đào tạo, thì đó chính là các hệ thống thi đấu. Các hệ thống thi đấu ở các trường phổ thông, hệ thống thi đấu của các trường đại học, hệ thống thi đấu ở địa phương, hệ thống thi đấu quốc gia… Tất cả sẽ tạo nên một hệ thống trải nghiệm tổng hợp, tôi luyện, hun đúc và làm trưởng thành các tài năng golf đỉnh cao.
Muốn xây nhà thì phải bắt đầu từ xây móng. Muốn phát triển thể thao golf đỉnh cao thì phải bắt đầu từ thiết lập các Học viện golf đào tạo golf trẻ, và tiếp theo là tổ chức hệ thống thi đấu ở các trường phổ thông và đại học.
Học viện golf Hà Nội – Bước đột phá khởi đầu
Vẫn đeo đuổi thi đấu ở các giải thuộc hệ thống nhà nghề châu Á và Đông Nam Á, nhưng Nguyễn Thái Dương vẫn không nguôi ngoai mơ ước về một hệ thống Học viện golf và các giải đấu trẻ ở các trường phổ thông.
Học viện Golf Hà Nội ra đời sẽ tạo cơ hội cho nhiều em học sinh Thủ Đô được làm quen với golf. Qua các vòng sơ tuyển sẽ chọn ra những tài năng đặc biệt. Từ đó Học viện sẽ có chương trình đào tạo riêng, dẫn dắc các em từng bước đến con đường golf chuyên nghiệp.
Học viện golf Hà Nội ra đời sẽ là động lực góp phần tiến tới thiết lập hệ thống các giải đấu trẻ của học sinh phổ thông thủ đô - bước đột phá bản lề của thể thao golf đỉnh cao.
Đặt nền móng ngôi nhà thể thao golf đỉnh cao từ bây giờ, hy vọng hai mươi năm sau sẽ xuất hiện những tên tuổi Việt Nam chói sáng trên đấu trường golf quốc tế. Một khoảng thời gian thật không ngắn cho một đời người, nhưng sẽ là kỳ tích cho thể thao golf Việt Nam khi niềm hy vọng đó trở thành sự thật.
Tấm gương sáng ngời của Tiger Wood bất chấp khó khăn đói nghèo, bất chấp cách biệt màu da chủng tộc, đã vượt lên để trở thành tay golf vĩ đại nhất mọi thời, sẽ là một xung lực diệu kỳ để hàng trăm ngàn học sinh thiếu nhi nòi giống Lạc Việt quật cường sẵn sàng hiến dâng rồi chắt lọc ra những siêu phàm golf làm rạng danh cho Tổ quốc. Trong số đó hy vọng có những siêu phàm của Học viện golf Hà Nội.